Tham chính Đường_Thuận_Tông

Những năm đầu thời Đức Tông, Đại Đường chứng kiến sự nổi loạn của các phiên trấn. Sau khi bốn trấn ở Hà Bắc tuyên bố li khai (781) thì đến cuối năm 783, quân đội Kinh Nguyên[12] do Diêu Lệnh Ngôn cầm đầu nhân dịp được lệnh đánh dẹp bốn trấn cũng đã nổi loạn và tấn công vào cung điện. Đường Đức Tông không có cách nào chống lại, đành phải bỏ kinh đô Trường An chạy về Phụng Thiên[13]. Thái tử Lý Tụng cùng các vị hoàng tử, công chúa khác và một số thành viên trong tông thất cũng chạy theo Đức Tông đến đây. Sau đó, quân Kinh Nguyên đưa Chu Thử lên làm hoàng đế, đặt quốc hiệu Đại Tần[14]. Đầu năm 784, Chu Thử xua quân tấn công Phụng Thiên, Lý Tụng tham gia vào việc chống giặc. Ông đích thân lên thành đốc thúc binh sĩ cự chiến khiến lòng quân phấn khích và tham gia cứu giúp những binh sĩ bị thương[15]. Sau này, Chu Thử không thể chiếm được Phụng Thiên rồi bị lực lượng của Lý Hoài Quang đẩy lui.

Sau khi biến loạn chấm dứt, Lý Tụng theo Đức Tông trở về Trường An (3 tháng 8 năm 784). Năm 787, một biến cố xảy ra làm đe dọa đến vị trí thái tử của Lý Tụng khi tể tướng Trương Diên Thưởng phát hiện đại thần Lý Thăng có qua lại mật thiết với Cáo Quốc công chúa, mẹ vợ của Lý Tụng (Trương Diên Thưởng và cha Lý Thăng là Lý Thúc Minh vốn có tư oán với nhau). Đức Tông tỏ ý nghi ngờ Cáo Quốc công chúa nương nương có mưu đồ khác. Ban đầu, theo lời khuyên của Lý Bí, Đức Tông không tiến hành điều tra vì việc này có thể gây bất lợi cho Thái tử Tụng, chỉ đẩy Lý Thăng ra khỏi triều đình[16]. Nhưng đến mùa thu cùng năm, lại có người tố cáo Cáo Quốc công chúa không chỉ qua lại mật thiết với Lý Thăng mà còn với nhiều đại thần khác như Tiêu Đỉnh, Lý Vạn, Vi Khác, hơn thế còn sử dụng bùa chú để trù ếm Đức Tông. Đức Tông cả giận, cho bắt giam Cáo Quốc công chúa và từ đó cũng đối xử lạnh nhạt với Lý Tụng (do Đức Tông cho rằng việc làm của công chúa là để đưa Lý Tụng - con rể bà ta lên ngôi sớm hơn). Đức Tông muốn phế Thái tử phi Tiêu thị, lập Vương lương đệ làm thái tử phi, nhưng Lý Tụng ra sức cầu xin, Đức Tông vẫn không nguôi giận mà còn có ý muốn phế Lý Tụng để đưa Thư vương Lý Nghị làm hoàng đế. Tuy nhiên sau cùng đại thần Lý Bí đứng ra nói lý lẽ với Đức Tông nên Đức Tông bỏ ý định này.[17] Sau này Cáo Quốc công chúa qua đời và Lý Tụng bị bệnh, Đức Tông bèn giết chết Tiêu phi[18]

Năm 795, tể tướng Lục Chí do bị cận thần Bùi Diên Linh gièm pha nên bị giáng chức và bị lưu đày. Học sĩ Dương Thành dẫn đầu một số đại thần dâng biểu tâu rằng Lục Chí vô tội làm Đức Tông giận luôn cả các đại thần này và muốn xử phạt luôn, tuy nhiên Lý Tụng đứng ra cầu xin cho họ, cuối cùng Đức Tông không xử phạt họ[19]. Do quá tin tưởng Bùi Diên Linh cùng Vi Cừ Mưu, Đức Tông có ý định phong chúng làm tể tướng, nhưng do Lý Tụng một mực can ngăn nên cuối cùng Đức Tông không làm như vậy.

Cuối thời Đức Tông, Lý Tụng kết giao cùng Hàn Lâm đãi chiếu Vương Bái, một người giỏi về thư pháp, cùng Vương Thúc Văn, người giỏi về chơi cờ. Hai người thường được triệu vào đông cung và thân thiết với Lý Tụng. Vương Thúc Văn thường kể về sự khổ ải của bá tánh trong dân gian với Lý Tụng. Có lúc Lý Tụng mời nhiều đại thần học sĩ vào đông cung để bàn việc thì Vương Thúc Văn lại nói với ông rằng Đức Tông vẫn còn tại vị mà thấy Lý Tụng kết giao hiền sĩ sẽ nghĩ ông đang thu phục nhân tâm, có ý khác. Lý Tụng lo sợ và nhận ra sai lầm của mình, sau đó lại càng tin tưởng Thúc Văn hơn. Thúc Văn kết giao với các đại thần có danh tiếng như Lục Thuần, Lã Ôn, Lý Cảnh Kiệm, Hàn Diệp, Hàn Thái, Trần Gián, Liễu Tông Nguyên, Lưu Vũ Tích và giới thiệu với Lý Tụng. Các tiết độ sứ bên ngoài nếu ai dâng vàng bạc lên Thúc Văn đều sẽ được Thúc Văn tiến cử với thái tử. Lý Tụng dần thiết lập bộ máy cai trị trong tương lai sau khi mình lên ngôi.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Đường_Thuận_Tông http://www.sidneyluo.net/a/a16/014.htm http://www.sinica.edu.tw/ftms-bin/kiwi1/luso.sh?ls... http://www.sinica.edu.tw/ftms-bin/kiwi1/luso.sh?ls... http://www.sinica.edu.tw/ftms-bin/kiwi1/luso.sh?ls... https://zh.wikisource.org/wiki/%E8%B3%87%E6%B2%BB%... https://zh.wikisource.org/wiki/%E8%B3%87%E6%B2%BB%... https://zh.wikisource.org/wiki/%E8%B3%87%E6%B2%BB%... https://zh.wikisource.org/wiki/%E8%B3%87%E6%B2%BB%... https://zh.wikisource.org/wiki/%E8%B3%87%E6%B2%BB%... https://zh.wikisource.org/wiki/%E8%B3%87%E6%B2%BB%...